Thời tiết đầu năm thường nồm ẩm và là điều kiện thích hợp khiến nhiều bệnh dịch bùng phát. Một trong số đó là bệnh sởi – là bệnh truyền nhiễm lây lan nhanh và gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Bệnh sởi chủ yếu ảnh hưởng đến trẻ em và ngay cả những người chưa tiêm phòng bệnh này cũng có nguy cơ mắc.
1. Tình hình dịch sởi từ đầu năm 2025 đến nay
Theo báo cáo của Bộ Y tế, trong những tháng đầu năm 2025, tổng số ca mắc sởi có dấu hiệu tăng mạnh nhất là ở những nơi tiêm chủng chưa được phổ biến. Chỉ trong 3 tháng đầu năm, số ca mắc sởi được ghi nhận trên cả nước là khoảng 40.000 trường hợp, 05 trường hợp tử vong là có liên quan đến sởi.
Dịch sởi vẫn đang tiếp diễn với nguy cơ lây lan mạnh, vì tình trạng miễn dịch chưa đầy đủ ở nhiều địa phương, nơi có nhiều trẻ em vẫn chưa được tiêm phòng đầy đủ. Vì đây là căn bệnh chưa có thuốc đặc trị nên tiêm phòng vẫn là phương pháp ưu tiên đối với dịch bệnh này.
Bệnh sởi do một loại virus có tên là measles virus thuộc họ Paramyxoviridae. Virus này lây lan chủ yếu qua các giọt bắn khi người bệnh ho hoặc hắt hơi hoặc cũng có thể qua bàn tay bị ô nhiễm bởi các dịch tiết đường hô hấp có chứa mầm bệnh, vậy nên đây là lý do căn bệnh này lây lan nhanh đến vậy.
Đa số trường hợp mắc bệnh ở nhóm trẻ em từ 09 tháng tuổi đến 15 tuổi (72,7%). Bệnh ghi nhận chủ yếu ở các thành phố lớn, có biến động dân cư cao nhưng cũng đã có xu hướng tăng cao ở những tỉnh miền núi, nơi mà tiêm vắc xin chưa thể tiếp cận đến.
2. Dấu hiệu nhận biết bệnh sởi
Bệnh sởi thường bắt đầu với các triệu chứng giống cảm lạnh hoặc cúm, bao gồm sốt cao (thường từ 38-40°C), ho khan, chảy mũi và viêm kết mạc (mắt đỏ và sưng). Những triệu chứng này thường xuất hiện sau khi tiếp xúc với virus từ 10-12 ngày, và kéo dài khoảng 2-4 ngày. Trong giai đoạn này, người bệnh cũng có thể cảm thấy mệt mỏi, chán ăn và cơ thể dễ bị mất sức do sốt cao. Ngoài ra, bệnh nhân còn có thể bị viêm họng, đau họng và các triệu chứng hô hấp nhẹ, nhưng đặc biệt là mắt sẽ có cảm giác cộm và khó chịu do viêm kết mạc.
Sau khi sốt kéo dài, một trong những dấu hiệu đặc trưng của bệnh sởi là sự xuất hiện của phát ban đỏ. Phát ban này thường bắt đầu từ mặt, đặc biệt là sau tai và dọc theo trán, rồi dần dần lan xuống cổ, ngực và các bộ phận còn lại của cơ thể trong vòng 3-5 ngày tiếp theo. Phát ban có thể kéo dài từ 5-7 ngày, và trong một số trường hợp, các nốt ban có thể kết hợp lại thành từng mảng lớn. Một dấu hiệu rất đặc trưng khác của bệnh sởi là những đốm nhỏ màu trắng, giống như hạt muối, xuất hiện trong miệng, bên trong má, gọi là đốm Koplik. Những đốm này thường xuất hiện trước khi phát ban và là một dấu hiệu cảnh báo bệnh sởi
3. Cách xử lý khi trẻ bị mắc sởi hoặc nghi mắc sởi
Khi trẻ có bị mắc sởi hoặc nghi có dấu hiệu mắc sởi thì việc xử lý kịp thời và đúng cách là rất quan trọng để giảm thiểu nguy cơ biến chứng và giúp bé hồi phục nhanh chóng. Sau đây là một số bước mà cha mẹ cần thực hiện:
Việc đầu tiên khi phát hiện bé nhà mình bị mắc sởi là mẹ cần giữ trẻ ở nhà và cách ly với những người chưa từng mắc bệnh hoặc chưa tiêm vắc xin. Bệnh sởi rất dễ lây lan qua đường hô hấp, đặc biệt trong giai đoạn sốt và phát ban. Trong suốt quá trình này, trẻ cần được nghỉ ngơi đầy đủ để cơ thể có đủ sức chiến đấu với virus. Cha mẹ cần đảm bảo cho trẻ uống đủ nước để tránh mất nước và cung cấp chế độ dinh dưỡng hợp lý, dễ tiêu hóa để hỗ trợ hệ miễn dịch. Trẻ cần được theo dõi nhiệt độ thường xuyên, và nếu sốt cao, các mẹ có thể cho trẻ uống thuốc hạ sốt theo chỉ định của bác sĩ.
Bên cạnh đó, bạn cần chú ý theo dõi các triệu chứng của trẻ và đưa trẻ đến bác sĩ nếu có dấu hiệu biến chứng như ho nặng, khó thở, hoặc sốt không giảm sau vài ngày. Mặc dù bệnh sởi chưa có thuốc đặc trị, bác sĩ có thể kê đơn thuốc để giảm triệu chứng hoặc điều trị các biến chứng nếu có. Trong một số trường hợp, nếu trẻ bị bội nhiễm vi khuẩn, bác sĩ có thể chỉ định thuốc kháng sinh để điều trị viêm tai giữa, viêm phổi hoặc các vấn đề khác. Các mẹ cũng có thể làm dịu các triệu chứng như ngứa mắt hay đau họng bằng các biện pháp hỗ trợ như rửa mắt hoặc sử dụng khăn ướt để lau mát cơ thể trẻ.
Tuyệt đối cha mẹ không tự ý sử dụng thuốc kháng sinh để điều trị sởi, vì đây là bệnh do virus gây ra, không phải vi khuẩn. Việc điều trị đúng cách và theo dõi chặt chẽ sẽ giúp trẻ hồi phục nhanh chóng và giảm thiểu nguy cơ các biến chứng nghiêm trọng.
4. Các cách chủ động phòng ngừa
Những biện pháp phòng chống bệnh sởi được Bộ Y tế khuyến cáo gồm có:
Đầu tiên cha mẹ cần đảm bảo con của mình được tiêm phòng bệnh sởi đầy đủ và đủ liều. Tiêm vắc xin sởi vẫn là biện pháp ưu tiên nhất để bé nhà bạn có miễn dịch với căn bệnh này, nếu bị mắc cũng giảm thiểu nguy cơ gặp các biến chứng nặng của bệnh. Trẻ từ 9 tháng tuổi đến 2 tuổi là có thể tiêm phòng bệnh sởi, nếu bé chưa tiêm hoặc chưa đủ 2 mũi thì nên tiêm bổ sung đúng lịch.
Vì đây là thời điểm đầu mùa nồm ẩm, dịch bệnh lây lan mạnh mẽ nên cha mẹ hãy hạn chế để trẻ tiếp xúc với những người mang những triệu chứng của bệnh sởi. Nếu trong lớp con bạn học có bé nghi mắc hoặc đã mắc thì nên quan sát kỹ tình hình sức khỏe của bé nhà bạn cũng như có thể để bé đeo khẩu trang hoặc mang cồn sát khuẩn đến lớp. Đồ chơi của trẻ cũng như đồ dùng học tập và phòng học cần thường xuyên khử trùng bằng các chất sát khuẩn thông thường. Cha mẹ có thể đề nghị nhà trẻ, lớp mẫu giáo hoặc trường học thực hiện những biện pháp phòng chống dịch ở những nơi mà dịch bùng phát mạnh mẽ. Chú ý vệ sinh cá nhân thân thể, mũi, họng mắt và răng miệng cẩn thận cho bé. Có thể sử dụng nước muối loãng hoặc loại nước súc họng để khử trùng mỗi khi đi ra ngoài.
Ba mẹ đừng quên bổ sung vitamin A liều dự phòng hàng ngày nhé! Vitamin A giúp bé giảm nguy cơ gặp các vấn đề về mắt do sởi, đồng thời tăng cường “hàng rào” miễn dịch tự nhiên. Thêm vào đó, vitamin D cũng là một trợ thủ đắc lực, giúp bé có một hệ miễn dịch khỏe mạnh, sẵn sàng “chiến đấu” với bệnh tật.
Bệnh sởi có thể phòng tránh được nếu cha mẹ chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa khi đến mùa dịch. Bên cạnh đó tiêm phòng vắc xin sởi là rất cần thiết nhất là đối với những bé còn nhỏ để ngăn ngừa các biến chứng nặng của bệnh sởi nếu bị mắc phải. Ngoài ra, nếu bé nhà bạn mắc bệnh sởi thì cũng nên bình tĩnh theo dõi sát sao tình trạng bệnh của trẻ và đưa bé đến bệnh viện kịp thời nếu tình trạng trở nặng.