Việc bổ sung đầy đủ vi chất trong 3 năm đầu đời là yếu tố nền tảng giúp trẻ phát triển toàn diện về trí tuệ, thể chất và miễn dịch. Dưới đây là 5 vi chất quan trọng nhất ba mẹ cần đặc biệt lưu ý.
1. Giai đoạn 0–3 tuổi: “Cửa sổ vàng” cho sự phát triển toàn diện của trẻ
Ba năm đầu đời là giai đoạn tăng trưởng mạnh mẽ nhất của con người. Trong thời gian này, não bộ của trẻ phát triển tới 80% so với người trưởng thành. Chiều cao, cân nặng, vận động và khả năng ngôn ngữ cũng có những bước nhảy vọt. Đây cũng là thời điểm mà hệ miễn dịch và tiêu hóa của trẻ còn non yếu, khiến trẻ dễ gặp phải tình trạng thiếu vi chất nếu không được chăm sóc và bổ sung đúng cách.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), thiếu hụt vi chất là nguyên nhân âm thầm gây ra hàng loạt vấn đề sức khỏe ở trẻ như chậm tăng trưởng, biếng ăn, suy giảm miễn dịch, thiếu máu, còi xương, chậm phát triển trí tuệ,… Điều này cho thấy tầm quan trọng của việc bổ sung đúng và đủ vi chất dinh dưỡng ngay từ những năm đầu đời.
2. Top 5 vi chất thiết yếu mẹ cần chú ý trong giai đoạn 0–3 tuổi
2.1. Sắt – Vi chất nền tảng cho tạo máu và phát triển trí não
Sắt là khoáng chất cần thiết cho quá trình tạo hemoglobin – thành phần quan trọng trong hồng cầu có nhiệm vụ vận chuyển oxy đến các cơ quan trong cơ thể. Ngoài ra, sắt còn tham gia vào hoạt động của não bộ và hệ miễn dịch.
Khi trẻ bị thiếu sắt, cơ thể sẽ không sản xuất đủ hồng cầu khỏe mạnh, dẫn đến thiếu máu. Trẻ thường có các biểu hiện như da xanh, môi nhợt nhạt, mệt mỏi, khó tập trung, kém linh hoạt, hay ốm vặt và chậm phát triển cả về thể chất lẫn trí tuệ.
Trẻ từ 6 tháng tuổi trở đi có nguy cơ thiếu sắt cao do lượng sắt dự trữ từ bào thai dần cạn kiệt, trong khi nhu cầu sắt lại tăng nhanh để đáp ứng quá trình tăng trưởng vượt bậc. Vì vậy, cách bổ sung sắt cho trẻ từ 6 tháng tuổi trở thành mối quan tâm hàng đầu của nhiều ba mẹ. Ngoài việc tăng cường thực phẩm giàu sắt trong khẩu phần ăn dặm, việc lựa chọn sản phẩm bổ sung sắt chuyên biệt là cần thiết để phòng ngừa thiếu máu do thiếu sắt trong giai đoạn quan trọng này.
2.2. Vitamin D – Chìa khóa giúp trẻ phát triển chiều cao và miễn dịch
Vitamin D có vai trò đặc biệt trong việc giúp cơ thể hấp thu và chuyển hóa Canxi, từ đó xây dựng hệ xương và răng chắc khỏe cho trẻ. Không chỉ vậy, vitamin D còn tham gia vào quá trình điều hòa hoạt động của hệ miễn dịch, giúp phòng ngừa các bệnh lý nhiễm khuẩn, đặc biệt là đường hô hấp.
Trẻ thiếu vitamin D thường có biểu hiện: ra nhiều mồ hôi trộm, rụng tóc vùng gáy, chậm mọc răng, chậm biết lẫy, bò, đi, biến dạng xương (đầu bẹt, chân vòng kiềng,…), dễ mắc viêm phổi, viêm phế quản.
Vì vitamin D không có nhiều trong thực phẩm thông thường và việc tắm nắng thường không đủ để tổng hợp lượng cần thiết, nên bổ sung dạng nhỏ giọt theo liều khuyến cáo là phương pháp phổ biến để đảm bảo nhu cầu hằng ngày cho trẻ dưới 3 tuổi.
2.3. Vitamin A – Bảo vệ thị lực và tăng sức đề kháng
Vitamin A là vi chất không thể thiếu đối với sức khỏe thị lực, hệ miễn dịch và sự toàn vẹn của các biểu mô bảo vệ cơ thể. Ở trẻ nhỏ, vitamin A đặc biệt cần thiết để duy trì chức năng mắt khỏe mạnh, hỗ trợ phòng ngừa các bệnh nhiễm trùng, giúp cơ thể nhanh hồi phục sau ốm.
Thiếu vitamin A có thể gây ra:
- Mắt khô, quáng gà, tổn thương giác mạc
- Da khô, sần sùi, nứt nẻ
- Tăng nguy cơ mắc bệnh về hô hấp và tiêu hóa
- Suy giảm miễn dịch, dễ mắc bệnh kéo dài
Với trẻ nhỏ, việc bổ sung vitamin A liều hằng ngày với liều lượng phù hợp không chỉ giúp đảm bảo thị lực khỏe mạnh mà còn hỗ trợ làn da, niêm mạc và hàng rào miễn dịch hoạt động hiệu quả hơn.
Đặc biệt, khi kết hợp vitamin A cùng vitamin D3 – ba mẹ đã tạo nên một bộ đôi vi chất “vàng” cho sự phát triển toàn diện của bé. Trong khi vitamin A bảo vệ mắt, da và miễn dịch, thì vitamin D3 giúp tăng hấp thu canxi, hỗ trợ hệ xương và răng chắc khỏe, thúc đẩy chiều cao và phòng ngừa còi xương. Việc bổ sung đều đặn cả hai vi chất này từ sớm sẽ giúp bé xây dựng nền tảng sức khỏe vững chắc ngay từ những năm đầu đời.
2.4. Kẽm – Tăng cảm giác thèm ăn và phát triển toàn diện
Kẽm là khoáng chất tham gia vào hơn 300 loại enzym trong cơ thể. Nó ảnh hưởng đến vị giác, hệ tiêu hóa, quá trình tổng hợp protein, phân chia tế bào, miễn dịch và phát triển chiều cao.
Thiếu kẽm là một trong những nguyên nhân phổ biến gây:
- Biếng ăn, giảm cảm giác ngon miệng
- Rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy kéo dài
- Da khô, viêm da, chậm lành vết thương
- Chậm phát triển chiều cao, nhẹ cân
Do nhu cầu kẽm ở trẻ cao nhưng chế độ ăn nhiều khi không đáp ứng đủ, việc bổ sung kẽm bằng các sản phẩm phù hợp sẽ giúp cải thiện tình trạng biếng ăn, hỗ trợ tiêu hóa, tăng cường sức đề kháng và phát triển toàn diện.
2.5. Vitamin C – Tăng hấp thu sắt và bảo vệ cơ thể khỏi bệnh tật
Vitamin C không chỉ nổi tiếng với vai trò tăng sức đề kháng mà còn hỗ trợ hấp thu sắt hiệu quả từ thực phẩm, tham gia vào quá trình sản xuất collagen giúp bảo vệ thành mạch máu, da và mô liên kết.
Trẻ thiếu vitamin C thường biểu hiện:
- Dễ cảm lạnh, sốt, ho
- Chảy máu nướu, lợi sưng đỏ
- Da khô, dễ bầm tím, lâu lành vết thương
- Mệt mỏi, kém ăn, giảm hấp thu dinh dưỡng
Khác với nhiều loài động vật, cơ thể con người không thể tự tổng hợp vitamin C mà phải bổ sung từ bên ngoài. Việc cung cấp đầy đủ vitamin C mỗi ngày thông qua rau củ quả tươi hoặc sản phẩm hỗ trợ là cách hiệu quả để bảo vệ cơ thể non nớt của trẻ nhỏ khỏi tác nhân gây bệnh.
3. Nguyên tắc bổ sung vi chất đúng cách cho trẻ nhỏ
Vi chất dinh dưỡng như sắt, kẽm, vitamin A, D, C… đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển thể chất, trí tuệ và miễn dịch của trẻ nhỏ. Tuy nhiên, bổ sung thế nào cho đúng và an toàn thì không phải ba mẹ nào cũng nắm rõ. Việc thừa – thiếu vi chất đều có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của con, nên ba mẹ cần có phương pháp bổ sung hợp lý.
Trước tiên, hãy ưu tiên bổ sung vi chất qua thực phẩm tự nhiên trong bữa ăn hàng ngày. Những thực phẩm như thịt, cá, trứng, sữa, rau xanh, trái cây tươi… là nguồn cung cấp đa dạng vitamin và khoáng chất dễ hấp thu. Với trẻ bước vào giai đoạn ăn dặm, ba mẹ nên xây dựng khẩu phần đầy đủ nhóm chất, kết hợp các món giàu sắt, canxi, kẽm… theo từng giai đoạn phát triển.
Với những bé có nhu cầu vi chất cao hơn (như sinh non, nhẹ cân, đang trong giai đoạn phát triển nhanh, hay có dấu hiệu thiếu hụt như mệt mỏi, biếng ăn, da xanh xao…), việc bổ sung bằng các sản phẩm chuyên biệt cho trẻ em là điều cần thiết.
Lưu ý quan trọng: Không nên tự ý phối hợp nhiều loại vi chất cùng lúc nếu chưa có tư vấn chuyên môn, vì một số khoáng chất khi dùng chung có thể làm giảm khả năng hấp thu lẫn nhau. Đồng thời, hãy theo dõi sự phát triển, giấc ngủ, ăn uống và biểu hiện sức khỏe của trẻ để điều chỉnh chế độ bổ sung phù hợp từng thời điểm.
Cuối cùng, hãy luôn lựa chọn nguồn bổ sung rõ ràng, uy tín, được thiết kế riêng cho trẻ nhỏ để đảm bảo hiệu quả và an toàn. Khi ba mẹ hiểu đúng và chăm đúng, con sẽ lớn lên khoẻ mạnh, ít ốm vặt và phát triển toàn diện từng ngày.
Trong những năm đầu đời, dinh dưỡng đầy đủ và cân đối là điều kiện tiên quyết để trẻ phát triển khỏe mạnh và thông minh. Việc bổ sung đúng và đủ 5 vi chất thiết yếu gồm sắt, vitamin D, vitamin A, kẽm và vitamin C chính là nền tảng cho sự phát triển toàn diện của trẻ từ thể chất đến trí não.Ba mẹ nên chủ động trang bị kiến thức về dinh dưỡng, theo dõi tình trạng sức khỏe của con và có kế hoạch bổ sung vi chất khoa học, kịp thời – để đồng hành cùng con vững bước trên hành trình lớn khôn.